Giao diện chụp hình của Obi Worldphone SF1 có nhiều điểm tương đồng với giao diện gốc nhưng nhiều tùy chỉnh hơn.
Ngoài thiết kế Obi Worldphone SF1 lạ lẫm so với hầu hết smartphone còn lại trên thị trường, một trong những tính năng mà OBI muốn tạo sự chú ý nhất với người dùng là chụp ảnh. Công ty trang bị cho camera sau cảm biến Sony IMX214 độ phân giải 13 megapixel, độ mở f/2.0 và khả năng quay video chuẩn Full HD. Camera trước của máy là 5 megapixel.
Obi Worldphone SF1 không có phím cứng riêng cho chụp ảnh nhưng có thể mở nhanh ứng dụng này từ màn hình khóa dễ dàng. Người dùng chỉ mất khoảng chưa đầy hai giây là có thể mở camera từ chế độ "ngủ". Nhà sản xuất cũng thiết kế cụm camera thấp hơn một chút so với phần vỏ sau nên hạn chế tình trạng xước dăm khi đặt máy trên bàn.
Ống kính camera nằm thấp hơn mặt sau nên sẽ hạn chế xước dăm khi để trên mặt bàn.
Thiết kế tổng thể chung của giao diện chụp ảnh trên chiếc Obi Worldphone SF1 không có nhiều thay đổi so với giao diện gốc của hệ điều hành Android. Tuy nhiên, OBI đã bổ sung nhiều tùy chỉnh sâu cho ảnh. Ngoài các cài đặt phổ thông như kích thước, chất lượng, phát hiện khuôn mặt, HDR, máy còn đưa ra các tùy chọn hiếm có trên camera điện thoại như độ bão hòa màu, độ sắc nét, chống phân chia dải màu và cả độ tương phản.
Dù có nhiều cài đặt, Obi Worldphone SF1 lại thiếu phần thay đổi thông số chỉnh tay cho những người thích sáng tạo với nhiếp ảnh điện thoại. Máy chỉ có cài đặt ISO, bù trừ sáng, cân bằng trắng và thiếu điều chỉnh tốc độ để phơi sáng hoặc ép máy chụp ở tốc độ cao.
Ấn tượng đầu tiên khi trải nghiệm chụp ảnh trên Obi Worldphone SF1 là tốc độ lấy nét của máy rất nhanh nhờ tính năng hỗ trợ lấy nét theo pha. Tuy nhiên, trong các tình huống lấy nét gần, máy đôi lúc lại xảy ra trường hợp sai lệch về điểm nét so với vị trí chạm tay. Các bức hình chụp cận cảnh thường phải chụp 2 đến 3 kiểu để có được bức hình ưng ý đúng nét nhất.
Điện thoại Obi cũng ưu tiên hơn về chất lượng hình nên phần mềm chụp trên Obi SF1 thường đặt tốc độ chụp hơi thấp so với các model khác. Điều này khiến người dùng có cảm giác máy chụp và lưu ảnh chậm. Cả trong điều kiện đủ sáng và thiếu sáng, máy đều cho khoảng thời gian từ lúc bấm chụp đến khi lưu ảnh là như nhau.
Camera sau của Obi SF1 cho ảnh ở tỷ lệ 4:3 ở độ phân giải cao nhất 13 megapixel tương tự iPhone hay Galaxy S6 edge. Ảnh có độ sắc nét cao, tái tạo chi tiết ảnh tốt nhưng ảnh chụp ban ngày vào thời điểm trời trong thường có xu hướng hơi ám xanh. Một ưu điểm nhưng cũng có thể coi là nhược điểm với một số người dùng là chất ảnh của SF1 quá thật. Màu sắc quá đúng thực tế trong khi iPhone thường cho ảnh có màu đậm hơn một chút còn với di động của Samsung thì độ rực rỡ rất cao.
Ảnh chụp từ camera Obi Worldphone SF1
Ở khung cảnh chụp thiếu sáng, Obi Worldphone SF1 chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu chụp khung cảnh dưới ánh đèn trong phòng thì độ chi tiết của anh lên tốt nhưng có cảm giác ảnh hơi tối. Trong khi đó, nếu chụp ở khung cảnh trời đêm, vùng ảnh màu đen thường bị nhiễu khá nặng. Điều này có thể gây ra bởi phần mềm của máy đã đẩy ISO lên quá cao nhưng vẫn cố giữ độ chi tiết nên không thể xử lý được nhiễu. Các máy smartphone khác hiện nay khi đẩy ISO cao thường hạn chế độ chi tiết nhưng màu đen của vùng tối vẫn được thể hiện mượt mà.
Obi SF1 có camera trước độ phân giải 5 megapixel cho góc khá rộng. Nếu để hết sải tay, có thể chụp được khoảng 5 hoặc 6 người cùng lúc trong khuôn hình. Ở chế độ mặc định, máy đã có tinh chỉnh làm mịn một chút da người nhưng ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, các tinh chỉnh "làm đẹp" lại không dễ để điều chỉnh cho người dùng phổ thông. Việc hạn chế bộ lọc cũng là một điểm đáng tiếc cho máy dù chất lượng ảnh chụp selfie rất tốt.
Nguồn: Vnexpress
0 comments:
Post a Comment